Câu chuyện về người đầu tiên sản xuất malt bia tại Việt Nam hay cũng chính là câu chuyện về nghị lực khó tin của anh đạp xích lô trở thành lãnh đạo của 3 doanh nghiệp lớn với trên 2.000 nhân viên… “Người Hà Nội gọi ông là ông Đường bia. Nhưng tuổi thơ và cả một quãng đời trai trẻ của ông không vàng sóng sánh, không dậy mùi thơm quyến rũ như bia!”.
Ông Nguyễn Hữu Đường – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình được biết đến là người đàn ông đầu tiên, mạnh dạn sản xuất malt bia tại Việt Nam. Lý do chính không phải vì muốn làm giàu cho bản thân, mà là bởi ông nhận thấy tại thời điểm đó, nhiều đối tác nước ngoài đã bán malt chất lượng kém vào Việt Nam. Cũng từ đó, chặng đường sản xuất malt bia của ông vượt qua muôn vàn khó khăn.
Năm 1979, ông Đường xuất ngũ sau 5 năm phục vụ trong quân đội. Năm 1981, ông làm việc đạp xích lô tại Hợp tác xã vận chuyển bia. Ông được giao phụ trách một tổ vận chuyển khoảng 10 người chuyên chở bia cho các cơ quan. Trong những năm chở bia ông kiếm được số tiền cũng kha khá vì khi đó bia là của hiếm và lại được trả công bằng bia. Ông chia sẻ, có ngày đi làm kiếm được bằng một tháng lương kỹ sư. Người ta gọi ông là “Đường bia” từ những tháng năm khốn khó đó. Đó cũng là những tháng năm ông học mót được kinh nghiệm làm bia để rồi vào năm 1989, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Hà Nội sản xuất bia.
Năm đó, ông có được 450 m2 đất ở đường Hoàng Hoa Thám – Hà Nội để xây xưởng. Thiếu tiền thì ông huy động ở anh em, bạn bè. Còn công nghệ làm bia thì đào đâu ra? “Đam mê làm bia suýt bị bại liệt” ông Đường đã nói như vậy về thời mày mò, kiếm tìm công nghệ. Ông kể: “Ròng rã 6 tháng trời, cứ pha chế, ghi chép, thăm nếm… vắt kiệt sức mình cho ly bia ngon. Hậu quả là tôi đã bị suy nhược thần kinh thực vật nặng, phải vịn giường tập đi”. Sau này, khi nhà máy bia sản xuất với khối lượng lớn cả bia hơi, bia chai, bia chai có vị nhân sâm, khách hàng nhận ra rằng: Chất lượng bia của ông Đường gần được như bia của Công ty Bia Hà Nội. Lý giải về chất lượng bia, ông Đường cho biết: Công ty có khả năng xây nhà máy ở những vị trí rộng, thuận lợi đường giao thông. Nhưng để có được nguồn nước ngầm tuyệt hảo mà chuyên gia Pháp đã khai thác để dùng cho Công ty Bia Hà Nội bây giờ không phải ở đâu cũng có được. Khi có công nghệ và nguyên liệu tương đương nhau, yếu tố quyết định chất lượng bia lại là nguồn nước. Đó là lý do bia của ông được sản xuất bên cạnh Công ty Bia Hà Nội để hưởng nguồn nước ngầm vô giá.
Đến năm 1998 doanh nghiệp được xuất nhập khẩu trực tiếp và ông Đường bắt đầu nhập khẩu Malt (hạt đại mạch nẩy mầm đã qua chế biến, nguyên liệu sản xuất bia) để cung cấp cho các nhà máy bia.
Quá trình nhập khẩu Malt, ông Đường đã phát hiện nhiều đối tác nước ngoài đã bán malt chất lượng kém vào Việt Nam và ông nung nấu quyết tâm mở nhà máy sản xuất Malt ngay tại Việt Nam. Khi biết ý tưởng của ông sẽ sản xuất Malt, nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã cười “các ông thì sản xuất thế nào được”. Họ nói vậy cũng có lý vì khí hậu Việt Nam là nhiệt đới nóng ẩm trong khi nhiệt độ để sản xuất Malt là 15-18 độ C. Nhiều nước không sản xuất Malt vì không trồng được nguyên liệu, chi phí cao. Đây là quyết định cực kỳ rủi ro vì ngay cả nhà máy bia Hà Nội, Sài Gòn cũng không làm Malt vì không có lãi.
Ông Đường từng kể lại: “Kể cũng lạ, Nhà nước có nhà máy bia, tư nhân cũng có nhà máy bia, ấy thế mà cứ mua malt nước ngoài, không chủ động được nguyên liệu. Tôi nghĩ nhiều nước họ làm được malt sao mình không làm được?. Thế là tôi quyết định đầu tư 250 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất malt. Đây là nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở Đông Nam Á với công nghệ hiện đại bậc nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Malt đạt chất lượng không thua kém malt Australia nhập khẩu. Bây giờ malt của tôi đã bán khắp cả nước. Công ty Bia Sài Gòn, Công ty Bia Huế… đều là khách hàng lớn của tôi. Tôi làm malt cũng một phần vì lòng tự trọng dân tộc. Hơn nữa tôi đã là người lính. Bản chất người lính mà! Đây là quyết định mạo hiểm, nhiều người can ngăn vì họ cho rằng, mình ở xứ nóng, lúa mạch lại phải nhập khẩu nên quyết định như vậy là làm liều! Nhưng làm doanh nghiệp phải quyết đoán, phải táo bạo, nhiều khi chấp nhận rủi ro ở cả mức cao nhất. Nhưng tôi đã thành công, trước hết tôi đã hoàn toàn chủ động phần nguyên liệu cho nhà máy bia của tôi. Ngoài ra, tôi còn bán malt cho các nhà máy bia khác có nhu cầu” – ông Nguyễn Hữu Đường bộc bạch.
Nhà máy sản xuất Malt ra đời đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) vào năm 2002. Làm Malt không có lợi nhuận vì cạnh tranh rất mạnh với nhiều nhà cung cấp Châu Âu, Châu Úc. Khi nhà máy ra đời lại bị nước ngoài bán phá giá, 3 năm liền thua lỗ cả triệu đô la mỗi năm. Lúc đầu ông dự định làm 2 nhà máy, một tại Hà Nội, một tại Sài Gòn nhưng sau đó chỉ triển khai được 1 nhà máy tại Hà Nội. Ông Đường làm vậy vì buộc nhà cung cấp Malt nước ngoài phải tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam.
Sau thành công của Công ty CP Đường Malt, ông Đường tiếp tục xây dựng nhà máy cán thép không gỉ khổ lớn năm 2008 đồng thời tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện, nhân đạo trên khắp cả nước.